Thực tình thì sau 4 năm quân ngũ (1971-1975), anh lính lái xe tăng cấp 1 Nguyễn Thế Tường trở lại giảng đường đại học Tổng hợp Hà Nội với quân hàm hạ sỹ cùng thương tật 2/4. Trong những năm chiến trận, ông từng tham gia nhiều trận đánh nhưng trận “đấu tăng” diễn ra tại Cửa Việt (Quảng Trị) nửa đêm rạng sáng ngày 28-1-1973 trước giờ Hiệp định Pari có hiệu lực vẫn là trận ông hào hứng nhất. Trận đó, xe tăng mang số hiệu 704 do ông lái đã lập công lớn.Nhưng, đối phương cũng không phải không biết bắn súng…
Tôi gặp ông lần đầu dễ cũng hơn một phần tư thế kỷ. Hồi đó, Quảng Bình mới tái lập và về lại Đồng Hới nên còn đơn giản mọi nhẽ, Nguyễn Thế Tường hay tin có bạn học cùng Tổng hợp Văn thì vội tới chơi. Ông cẩu thả đến nỗi mỗi chân mỗi dép. Người bạn học cùng ông nhìn thấy thế nói nhỏ vào tai tôi: “Tay này lôi thôi nhưng vẫn có nhiều đứa con gái thích nó mới tài”.
![]() |
Hay thật đấy, chuyện Nguyễn Thế Tường ăn vận lôi thôi nhưng được nhiều chị em “mê” thì quả là… chuyện lạ. Ừ mà chuyện lạ ấy lại có thật mới chết chứ. Có lần tôi được nghe Nguyễn Thế Tường kể: Hồi mới nhập học (năm 1969) tân sinh viên khoa Văn quê huyện Lệ Thủy, Quảng Bình đã dám thinh thích một “bóng hồng”. Có điều “Trái tim dù biết hát/Nhưng tình đời dễ đâu”.
Hai năm sau, chiến trường miền Nam gọi, hàng vạn sinh viên các trường đại học nhập ngũ. Tường cũng trong số đó. Nghĩ vào B chắc chín phần chết, thành cái “tóp mỡ” mà chưa có “mối tình vắt vai” thì chán quá nên gã liều viết một bức thư tỏ tình và mừng rơn khi thấy nàng hồi âm. Nhưng đọc đi đọc lại, càng đọc càng hoang mang vì giọng nàng sao nghe cứ quen quen như giọng bí thư Đoàn hay trợ lý tuyên huấn. Thế là, chàng cứ “tưng tửng” suốt 4 năm nhưng không một dòng thư, cho đến ngày trở lại trường thì… “con sáo đã sang sông”.
Mấy năm trước, nhà văn Nguyễn Thế Tường cùng mấy bạn sinh viên đồng ngũ trở lại thăm nơi từng đóng quân huấn luyện trước khi đi B ở thôn Cao Kiên, thị trấn Nhã Nam (Hà Bắc cũ, nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Hồi đó, có một cô gái làng hình như có cảm tình với Tường. Sau 40 năm về thăm lại đúng vào bữa “người xưa” vắng nhà. Ông cùng mọi người lên xe trở về Hà Nội với tâm trạng “buồn dâng lên mắt”. Tới Yên Viên thì chuông điện thoại rung riết róng.
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202101/ga-binh-nhi-va-nhung-nguoi-dan-ba-khong-hoa-da-2184415/